TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ KỸ THUẬT BÌNH DƯƠNG
Vững bước tiến vào hội nhập
Trường thành lập từ năm 1995 - 1998 trên cơ sở Trường dạy nghề Phương Thủy và là trường trung học chuyên nghiệp dân lập đầu tiên của cả nước (1999). Chỉ 4 năm hoạt động hiệu quả, nhà trường đã được nâng cấp thành Trường Cao Đẳng Kinh tế - Kỹ Thuật Bình Dương, nay nâng cấp lên Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương.
Kể từ ngày 21/9/2010, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương chính thức trở thành Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương. Đây là bước ngoặt mới giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngôi trường mạnh nhờ tập thể mạnh
Đó chính là đánh giá của Bộ GD – ĐT khi nhắc đến Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương. Từ một trường dạy nghề với 40 máy tính và 5 phòng học, chỉ trong 15 năm đã trở thành một trường ĐH có tầm cỡ quy mô học sinh – sinh viên tăng 47 lần, giá trị cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học tập tăng 400 lần, đội ngũ giảng viên tăng 39 lần... là nơi đào tạo quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Trong 5 năm qua (2005-2010), trường đạt danh tập thể lao động xuất sắc do UBND tỉnh Bình Dương, Bộ GD-ĐT và thủ tướng chính phủ tặng bằng khen. Đến nay, vinh dự được thủ Chủ tịch nước trao tặng Huân Chương lao động hạng ba, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, nhấn mạnh: “Được xã hội đánh giá cao, uy tín về đào tạo của trường được như ngày hôm nay chính là nhờ sự phấn đấu không mệt mỏi, với tinh thần làm việc đầy sáng tạo của tập thể cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên – học sinh của trường”.
Chiến lược phát triển sẽ thu hút SV
Với quan điểm đã được nhà trường xác định rõ ràng “Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân ta”. Chính vì vậy, để trở thành trường ĐH đạt chuẩn quốc tế, nhà trường đã xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 bao gồm đổi mới nội dung chương trình giảng dạy giúp sinh viên học tập phương pháp mới sát với thực tiễn; cải tiến thi cử để đánh giá đúng thực tế kết quả học tập; mở rộng liên kết đào tạo nhằm tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận phương pháp học tập tiên tiến trên thế giới; mở rộng chương trình đào tạo liên thông giữa các cấp học trong trường và liên kết với các trường khác giúp sinh viên có cơ hội nâng cao trình độ và tay nghề mọi lúc mọi nơi.
Với sứ mệnh là ngôi trường ngoài công lập, hoạt động theo cơ chế “Vì chất lượng - không vì lợi nhuận”. Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương đã quyết tâm trở thành ngôi trường hoạt động ổn định theo hướng ứng dụng và liên thông đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp từng bước khẳng định thương hiệu của trường từ nay đến 2015 - 2020, các sản phẩm về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường được xã hội thừa nhận; một số sản phẩm về đào tạo chất lượng cao của nhà trường được quốc tế biết đến. Đến năm 2030, trở thành trường đại học hàng đầu của tỉnh Bình Dương, với 100% số ngành trường đào tạo đạt chất lượng ngang với các trường đại học hàng đầu trong nước và 30% số ngành trường đào tạo đạt chất lượng các trường đại học khu vực Đông Nam Á.
Cơ hội thành công dành cho sự đầu tư về chất lượng
Nằm trong địa bàn tỉnh Bình Dương, là nơi phát triển năng động cả nước, công nghiệp phát triển vượt bậc, nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao đòi hỏi ngày càng nhiều về số lượng và chất lượng. Do đó, nguồn tuyển sinh của nhà trường rất dồi dào. Một thách thức lớn đối với trường Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương chính là sự cạnh tranh về chất lượng đào tạo với 6 trường ĐH (trong đó có 1 trường quốc tế vùng), 6 trường CĐ, 14 trường TCCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hơn nữa, tỉnh Bình Dương liền kề với TPHCM nên có sự cạnh tranh mạnh mẽ về công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Để chuẩn bị cho một bước tiến mới trong sự nghiệp giáo dục đào tạo đại học, nhà trường đã đầu tư thêm cơ sở mới ở huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, có sức chứa hơn 6.000 sinh viên với tổng vốn đầu tư 305 tỉ đồng, trong đó vốn xây dựng cơ bản giai đoạn 1 là 220 tỉ đồng, vốn đầu tư thiết bị là 30 tỉ đồng, gồm tòa nhà 8 tầng với đầy đủ khu ký túc xá dành cho sinh viên ở xa, thư viện điện tử, nhà thi đấu đa năng... với tổng diện tích đất là 20.500 m2 dự kiến đưa vào sử dụng tháng 10 – 2011.