1.1. Lich sử hình thành.
Phân Hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum được thành lập ngày 14/02/2007, là thành viên mới của Đại học Đà Nẵng nằm trên vùng cực bắc của Tây Nguyên. Sau hơn hai năm thành lập, hiện tại, phân hiệu có gần 1000 sinh viên hệ chính quy theo học tập tại trường.
|
Năm thành lập: 14/02/2007 Giám đốc: TS Đoàn Gia Dũng Địa chỉ: 129 Phan Đình Phùng, TP Kon Tum, Tỉnh KonTum Điện Thoại: 84.060.3913029 hoặc 84.060.2211348 Website: http://www.kontum.udn.vn |
1.2. Tuyên bố sứ mệnh, viễn cảnh.
1.2.1. Viễn cảnh
Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum sẽ trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu ứng dụng và tư vấn lớn, có uy tín về khoa học kỹ thuật, kinh tế và quản lý cho khu vực Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông-Tây.
1.2.2. Sứ mệnh.
Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum là nơi đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học có chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Đông nam Lào và Đông bắc Campuchia.
Phân hiệu là nơi đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, giúp họ thường xuyên nâng cao năng lực làm việc của mình.
Phân hiệu trở thành một cơ sở đào tạo chất lượng, đa ngành, đa nghề, đa hệ đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho cộng đồng, cho xã hội, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
1.2.3. Các giá trị phân hiệu theo đuổi
- Thấu hiểu và đáp ứng tốt nhu cầu của người học, của cộng đồng. Phát huy phương pháp sư phạm tích cực, lấy người học làm trung tâm.
- Tinh thần chủ động và tự chủ trong việc xây dựng nhà trường, kết hợp tốt với các trường thành viên của Đại Học Đà Nẵng để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và công tác nghiên cứu khoa học.
- Khuyến khích tinh thần sáng tạo, trách nhiệm, sự nhiệt tình, đạo đức nghề nghiệp và khả năng chuyên môn của đội ngũ giảng viên.
- Khuyến khích nghiên cứu khoa học và chuyển giao nghiên cứu cho các doanh nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở địa phương về kiến thức chuyên môn.
- Trung thực và có uy tín về chất lượng đào tạo.
- Đoàn kết, nhất trí xây dựng Phân hiệu lớn mạnh.
1.2.4. Cam kết của Phân hiệu
Để thực hiện tốt sứ mệnh của mình, Phân hiệu cam kết:
- Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật và phát triển chương trình đào tạo mới.
- Giữ vững và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, phát triển nhanh chóng đội ngũ giảng viên cơ hữu tại địa phương.
- Phân hiệu sẽ tích cực đóng góp vì sự phát triển của cộng đồng các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên.
- Coi trọng và thực hiện hợp tác cùng phát triển với các đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng, các cơ quan đoàn thể, các trường và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
- Thường xuyên cập nhật, tìm hiểu, phân tích và đáp ứng nhu cầu của khu vực để xây dựng cơ cấu ngành đào tạo, chương trình học phù hợp, thực tế và hiệu quả cho sự phát triển của Tây Nguyên.
1.3. Đội ngũ giảng viên.
Là thành viên của Đại học Đà Nẵng, giảng dạy ở Phân hiệu ĐHĐN có sự góp sức của các giáo sư, các giảng viên giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy từ ĐHĐN. Các sinh viên của Phân hiệu ĐHĐN sẽ tiếp cận những phương pháp giảng dạy tiên tiến với những chương trình phù hợp. Hơn thế nữa, sinh viên còn có thể truy cập dễ dàng các giáo trình, tài liệu từ học liệu mở của các trường Đại học thuộc Đại học Đà Nẵng..
Một phương châm chính của Phân hiệu ĐHĐN là từng bước xây dựng đội ngũ giảng viên bằng cách phát hiện các tài năng gắn bó với vùng đất Tây Nguyên, các sinh viên xuất sắc ở tất cả các trường Đại học trong nước được mời, kêu gọi và đề nghị họ sau khi tốt nghiệp về làm giảng viên tại trường. Giảng viên của Phân hiệu sẽ có các điều kiện hỗ trợ tốt để học tập, phát triển và làm việc lâu dài.
Hiện nay, trường đã có 34 giảng viên của rất nhiều ngành khác nhau, trình độ của các giảng viên hiện nay chủ yếu là đại học. Trong đó có 3 thạc sỹ, và 1 tiến sĩ. Từ khi thành lập giảng viên chỉ có 8 người nhưng cho đến nay con số này đã là tăng dần đều qua các năm đến nay con số này đã là 34 người chỉ trong vòng hai năm.
1.4. Thực trạng cơ sở vật chất.
Với sự giúp đỡ tích cực của Tỉnh Uỷ, HĐND, UBND tỉnh Kon Tum, Phân hiệu ĐHĐN có được những cơ sở bước đầu của một trường Đại học. Gồm 2 khu vực:
|
KHU GIẢNG ĐƯỜNG |
- Khu vực giảng đường và Hiệu bộ của Trường nằm ở số 129 đường Phan Đình Phùng với diện tích 1,6 ha.
- Khu vực Ký túc xá sinh viên và khu học tập thể dục, thể thao nằm ở đường Duy Tân với diện tích 2,3 ha. Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum sẽ bảo đảm đầy đủ nhu cầu ký túc xá cho sinh viên.
- Khuôn viên của Phân hiệu có mạng wireless để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và sinh viên truy cập thông tin. Hệ thống Live@edu của Microsoft đã được triển khai trong Phân hiệu tạo điều kiện phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và quản lý.
Trong tương lai gần, Phân hiệu ĐHĐN sẽ trở thành một môi trường xanh, sạch đẹp với diện tích có thể mở rộng đến 83 ha. Trong khuôn viên các cơ sở trường có các giảng đường được trang bị máy tính, Projector, kết nối mạng
|
PHÒNG MÁY TÍNH |
Internet, có các phòng máy để sinh viên có thể học tập theo các chương trình mô phỏng, các mô hình hoá, các trung tâm thí nghiệm, thực hành, có công viên với những bồn hoa trải dài. Ngoài khu vực giảng đường, ký túc xá sẽ có sân thể thao, căn tin, trạm xá… Tất cả tạo nên một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh cho môi trường học tập vì sự phát triển các thế hệ tương lai gắn bó với vùng đất Tây Nguyên.
Hiện nay, Phân hiệu đang triển khai xây mới một khu giảng đường 3 tầng với 6 phòng học, trang bị 1 phòng máy tính mới khoảng 60 máy được nối mạng Internet và một khu Ký túc xá khoảng 250 chỗ.
2. Tình hình hoạt động.
Hiện nay, Phân hiệu đã có hơn 1000 sinh viên theo học với 10 ngành nghề khác nhau. Trong đó, có những ngành nghề đã có những bước phát triển nhất định và có những thành công nhất định. Chúng tôi có các hệ đào tạo đại học, sau đại học và một số hệ khác.
Các ngành chúng tôi đào tạo gồm:
1. Ngành điện kỹ thuật
2. Công nghệ thông tin
3. Quản trị kinh doanh
4. QTKD du lịch dịch vụ
5. Kinh tế phát triển
6. Kinh tế PT – hệ cử tuyển
7. KTXD và quản lý dự án
8. Tài chính ngân hàng
9. Sư phạm toán
10. Sư phạm GD tiểu học
3. Các hoạt động cộng đồng.
Phân hiệu Kontum Đại Học Đà Nẵng tại Kontum không ngừng lớn mạnh hơn trong cả công tác giảng dạy mà còn trong cả công tác xã hội. Chúng tôi tham gia các hoạt động cộng đồng với tinh thần đi đầu trong công tác thanh niên, trong công tác đền ơn đáp nghĩa và trong công tác giúp đỡ các bạn sinh viên đến trường với nhiều xuất học bổng khác nhau….
Trong công tác thanh niên:
- Hàng năm chúng tôi tham gia các phong trò lớn của đất nước: mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi, ..
- Phát động phong trào quyên góp ủng hộ sách vở, quần áo cho trẻ em ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum.
- Các chi đoàn triển khai kế hoạch tổ chức ngày “quốc tế phụ nữ 8-3”
- Tham gia giao lưu gặp gỡ với lực lượng Bộ đội Biên phòng.
- Tổ chức lớp nhận thức về Đảng cho cán bộ, Đoàn viên ưu tú.
- Tổ chức hội trại 26-3: “Thắp sáng ước mơ”.
- Tổ chức các hoạt động thiết thực (dạy học, sinh hoạt cộng đồng, tặng quà...) tại trung tâm bảo trợ xã hội Tỉnh Kon Tum
- Tổ chức lớp “nâng cao kỹ năng nghe – nói Tiếng anh” cho sinh viên.
Trong công tác xã hội :
- Chúng tôi tham gia vào hoạt động hiến máu nhân đạo.
- Phong trào “Vì đường phố xanh, sạch, đẹp”.
4. Môi trường làm việc.
Khu vực Tây Nguyên bao gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, đây là vùng đất được ưu đãi về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng, với diện tích và đất rừng lớn nhất toàn quốc, là nơi sinh thuỷ của 22 dòng sông lớn.
Theo số liệu thống kê năm 2008, khu vực Tây Nguyên có trên 5 triệu người chiếm khoảng 5,8% tổng dân số. Trong đó khoảng 3,6 triệu người ( chiếm 72,13%) sống ở nông thôn, tỉ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ước tính là 2,49%, lao động trong khu vực nhà nước là 146 nghìn người. Tỉ lệ tăng dân số hàng năm khu vực Tây Nguyên là 2.0% năm 2006, 1.64% năm 2007. Nguồn lao động có trình độ chuyên môn trong khu vực chiếm 3% dân số của khu vực. Nhìn chung chất lượng lao động của khu vực này so với các khu vực khác còn thấp hơn nhiều.
Tây Nguyên có diện tích tự nhiên là 5.612 nghìn ha. Tăng trưởng toàn vùng bình quân đạt 10,05%; GDP bình quân đầu người năm 2006 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng 23% so với năm 2005. Tính đến nay, 99,2% số xã có đường ô-tô đến trung tâm; 98% số xã có điện lưới quốc gia, 79,18% số hộ dùng điện, 52,5% số hộ dùng nước sạch...
Tuy nhiên với những sự ưu ái mà không một vùng nào có được như thế nhưng Tây Nguyên vẫn là khu vực chậm phát triển về kinh tế nhất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn rất ít, là vùng có số hộ nghèo cao đứng thứ 5/6 khu vực trong cả nước. Lý do dẫn đến những kết quả đó là do nhiều nhân tố góp phần tạo nên nhưng một nguyên nhân quan trọng đó là do đội ngũ nhân lực còn ít về số lượng và kém về chất lượng. Đây là vấn đề mà chính quyền các tỉnh đã và đang có nhiều biện pháp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng quản lý nguồn nhân lực của vùng.
Để góp phần nâng cao trình độ nguồn nhân lực của vùng Tây Nguyên nhằm đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế trong thời gian tới. Các tỉnh tây nguyên cần phải có những chính sách mang tính chiến lược về phát triển kinh tế gắn với chiến lược phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao phù hợp với các ngành mũi chọn trong định hướng chiến lược kinh tế vùng. đây không phải là vấn đề riêng của bất cứ tỉnh nào mà nó là vấn đề chung cho tất cả các ban ngành.
Không những là tạo ra nguồn nhân lực mà Tây Nguyên cần phải có những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị nhằm đem lại những tiền đề làm nền móng, tư vấn hỗ trợ cho công tác hoạch định, xây dựng và phát triển các ngành kinh tế, các hoạt động xã hội. Điều đó giúp Tây Nguyên có những bước tiến nhanh và vững chắc hơn trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, xứng tầm với tiềm năng sẵn có của Tây Nguyên.
Đây là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội lớn đối với công tác đào tạo ở Tây Nguyên, mà đặc biệt là các trường đại học như phân hiệu đại học Đà Nẵng tại Kontum. Nhận thấy được điều đó Phân Hiệu không ngừng mở rộng cơ sở vật chất trang thiết bị, không ngừng nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên và quản lý nhằm tạo ra môi trường tốt nhất cho công tác dạy, học và nghiên cứu. Phân hiệu tập trung phát triển đào tạo các ngành mà nhu cầu xã hội rất lớn như: đào tạo lao động kỹ thụât phục vụ phát triển nông - lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông - lâm sản, phát triển ngành du lịch, … trong đó trọng tâm là đào tạo nhân lực phục vụ cho nông, lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến của các địa phương.
5. Định hướng phát triển.
5.1. Mục tiêu dài hạn:
Xây dựng Phân hiệu trở thành một đơn vị đào tạo, nghiên cứu và tư vấn có uy tín, đạt chuẩn và ngang tầm với các trường đại học khác trong cả nước và khu vực.
5.2. Mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, có tâm huyết và gắn bó lâu dài với Phân hiệu. Cộng tác lâu dài với đội ngũ giáo sư, giảng viên giỏi, giàu kinh nghiệm ở các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng để nâng cao chất lượng dạy và học.
- Thực hiện triệt để phương pháp sư phạm tích cực, phát huy tính chủ động của người học. Ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả trong công tác giảng dạy.
- Thực hiện việc đánh giá thường xuyên chất lượng dạy và học. Kiểm định chất lượng đào tạo thông qua việc đánh giá trực tiếp của sinh viên.
Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao vào thực tiễn tại địa phương và hỗ trợ tư vấn cho cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức trên địa bàn.
- Xúc tiến nhanh dự án xây dựng trường với diện tích 83 ha gồm nhiều hạng mục đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Phân hiệu.