Tin Giáo Dục  

Trao đổi: Phương pháp tự học tốt các môn Lý luận - Chính trị


Dạy và học là hai quá trình nằm trong một thể thống nhất biện chứng. Thầy dạy – trò học, dạy như thế nào sẽ có cách học tương ứng. Thực tế giảng dạy chúng tôi nhận thấy rằng không thể phát huy được tư duy sáng tạo của sinh viên, với tính chủ động cao trong học tập khi giảng viên sử dụng phương pháp dạy học nặng về truyền thụ kiến thức.


Trong dạy học theo hệ thống tín chỉ, nhất thiết phải chuyển từ kiểu dạy học tập trung vào vai trò của giảng viên và hoạt động dạy sang kiểu tập trung vào vai trò của sinh viên và hoạt động học. Giảng viên không còn đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức mà là người gợi mở, hướng dẫn, tổ chức, cố vấn cho các hoạt động tự học của sinh viên.

Các môn Lý luận chính trị góp phần hình thành, bồi dưỡng cho sinh viên thế giới quan, phương pháp luận khoa học, trang bị những kiến thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng ta, góp phần định hướng suy nghĩ, hành động và hoàn thiện nhân cách cho thế hệ trẻ. Vì vậy, sinh viên đến lớp không phải để nghe những lời diễn giảng một chiều mang tính chủ quan nhất định từ người dạy, mà qua những kiến thức đó, sinh viên  nhận thức, đánh giá  và vận dụng vào thực tiễn như thế nào? Để đạt hiệu quả, ngoài vệc nghe giảng trên lớp sinh viên phải có phương pháp phù hợp để tự học, tự nghiên cứu. Nói cách khác, nếu sinh viên không nỗ lực, phấn đấu trong việc tự học thì việc dạy học các môn Lý luận chính trị không thể đạt hiệu quả như mong muốn.

Tự học là một công việc tương đối phức tạp, đa dạng hóa, vì mỗi sinh viên đều có phương pháp học tập riêng, một thời gian riêng cho mình. Do vậy, để đưa ra những yêu cầu chung cho công tác tự học của sinh viên là một việc làm không dễ, với kinh nghiệm giảng dạy của cá nhân, chúng tôi đưa ra một số phương pháp nhằm giúp sinh viên nhà Trường tự học các môn Lý luận chính trị đạt hiệu quả cao hơn.

1. Chuẩn bị tài liệu và phương tiện theo sự hướng dẫn của giảng viên

          Học là hoạt động nhận thức tích cực, tự giác và sáng tạo của sinh viên, hoạt động dạy của người giảng viên không có nghĩa là truyền thụ tri thức, truyền thụ những sản phẩm sẵn có, mà cần phải tổ chức, điều khiển hoạt động tự nhận thức của sinh viên, hình thành cho sinh viên nhu cầu thường xuyên học tập, tìm tòi kiến thức, kích thích năng lực sáng tạo, trang bị cho các em năng lực tổ chức lao động trí óc một cách hợp lý, làm cho các em định hướng được kiến thức bài học và tự khai thác tri thức.

Để đạt được mục tiêu này, giảng viên cần yêu cầu sinh viên chuẩn bị bài kỹ trước mỗi buổi học. Bên cạnh giáo trình môn học, sinh viên cần chủ động sưu tầm tài liệu, thông tin trên các phương tiện; với các yêu cầu cụ thể như: sinh viên sẽ trả lời những câu hỏi nào? sử dụng phương tiện gì để phục vụ cho việc học tập? để khi tiến hành bài học trên lớp thì giảng viên và sinh viên cùng làm việc tránh tình trạng độc thoại của giảng viên.

2. Phương pháp nghe giảng và ghi chép
Ở trình độ đại học, cao đẳng, sinh viên phải tiếp xúc một phương pháp nghe giảng và ghi chép mới. Thực tế giảng dạy chúng tôi nhận thấy rằng khi vào năm đầu tiên nhiều sinh viên còn lúng túng trước cách giảng của thầy các em không biết làm thế nào để ghi chép. Vậy làm thế nào để sinh viên có được phương pháp nghe giảng và ghi chép tốt nhất?

Theo chúng tôi, sinh viên cần rèn luyện các khâu sau:
2.1. Chuẩn bị nghe giảng
Để tiếp nhận bài giảng một cách tối ưu, sinh viên cần tìm hiểu đề cương chi tiết học phần để nắm chương trình môn học, biết được những vấn đề sẽ trình bày theo hướng nào? nội dung, phạm vi của bài học? vấn đề nào sinh viên sẽ tự học, tự nghiên cứu?

 Sinh viên cần làm tốt công tác chuẩn bị, nên bắt đầu từ việc xem lại bài ghi lần trước, khi sinh viên nắm vững kiến thức đã học sẽ lĩnh hội nội dung bài mới tốt hơn. Khi nghiên cứu nội dung bài mới, những vấn đề khó hoặc chưa hiểu, sinh viên nên ghi chép lại để khi nghe giảng sẽ chú ý hơn và nếu bài giảng chưa giải thích rõ các em cần trao đổi với thầy hoặc bạn.

2.2. Nghe giảng và ghi chép trên lớp
Nghe giảng trên lớp: Chúng ta đều biết rằng, cùng một lúc có nhiều tín hiệu khác nhau tác động vào các giác quan của sinh viên, nhưng không phải tất cả các tín hiệu đó đều đi vào ý thức, mà người học sẽ tiếp nhận những tín hiệu đó một cách có lựa chọn. Khi nghe giảng, sinh viên phải hoạt động tư duy hết sức tích cực, khẩn trương để có thể nắm được những vấn đề giảng viên gợi mở, trình bày.

Ghi chép trên lớp: Nghe giảng và ghi chép là hai hoạt động cùng tiến hành đồng thời. Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, việc tiến hành đồng thời hai loại hoạt động chỉ có thể đạt được kết quả cao khi một trong hai hoạt đó đã trở nên thành thạo đến mức gần như tự động hóa. Cách ghi chép lại mang sắc thái cá nhân, mỗi môn học lại đòi hỏi một phương pháp ghi chép khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là nếu sinh viên không hiểu bài thì không thể ghi chép tốt được. Vì vậy, qua cách ghi  của sinh viên, giảng viên có thể biết được mức độ nắm bài của sinh viên.  Như vậy, việc ghi lại bài giảng cũng là một nghệ thuật, luôn thay đổi tùy theo đặc trưng từng môn học và phong cách giảng của từng giảng viên. Đối với các môn Lý luận chính trị, cần đảm bảo tính chính xác và tính logic của các quan điểm, luận cứ, luận chứng…Vì vậy, bài ghi của sinh viên phải chính xác, đảm bảo yêu cầu về kiến thức và tính logic của bài học. Tuy nhiên, cách ghi  bài của mỗi sinh viên có thể khác nhau, tùy thuộc vào vốn hiểu biết và sự vận dụng sáng tạo của mỗi sinh viên.

2.3. Xem lại và chỉnh lý bài ghi
Mặc dù trên lớp sinh viên tích cực động não và ghi chép, nhưng nếu sau đó sinh viên xếp vở ghi lại, đợi tới ngày ôn thi mới mở ra xem mà không chỉnh lý ngay thì việc tiếp thu bài không thể coi là hoàn chỉnh và tốt; ở trình độ đại học và cao đẳng các môn Lý luận chính trị có khối lựợng kiến thức rộng, mang tính trừu tượng được tổng hợp từ nhiều lĩnh vực, nên bài giảng của giảng viên trên lớp chỉ mang tính hướng dẫn, gợi ý chứ không phải trình bày hoàn chỉnh, trọn vẹn về một vấn đề. Vì vậy, việc xem lại và hoàn chỉnh bài ghi là việc làm tất yếu đối với sinh viên.

Để giúp sinh viên có thể nghe giảng và ghi chép thuận lợi, giảng viên nên:
- Giới thiệu trước những tài liệu cần đọc để phục vụ cho bài học và đề ra những yêu cầu cụ thể cho sinh viên khi đọc các tài liệu đó.
- Cần có những hình thức, biện pháp kiểm tra việc đọc tài liệu và tự nghiên cứu của sinh viên.
- Trình bày vấn đề một cách hệ thống, rõ ràng để sinh viên dễ theo dõi vấn đề và ghi chép, tránh tình trạng giáo viên trình bày bài giảng tản mạn, thiếu hệ thống, làm cho sinh viên dù phải tập trung chú ý cao độ nhưng vẫn không nắm bắt được nội dung cơ bản của vấn đề và không thể ghi chép được.

3. Phương pháp đọc giáo trình và tài liệu
Đối với sinh viên ở trình độ đại học và cao đẳng, đọc sách không những là nhu cầu, hứng thú mà còn là một nhiệm vụ tất yếu. Đọc giáo trình, tài liệu để tự học, tự nghiên cứu là công việc chính của mỗi sinh viên. Trong quá trình học tập các môn Lý luận chính trị, 100% sinh viên phải có giáo trình, tài liệu cần thiết, theo chúng tôi để đọc giáo trình và tài liệu có kết quả, sinh viên cần lưu ý:
- Sinh viên phải biết lựa chọn sách, báo, tạp chí, văn kiện, nghị quyết,… phù hợp với từng bài học
- Sinh viên cần xác định rõ mục đích đọc tài liệu: Đọc để tìm hiểu toàn bộ nội dung cuốn sách; để tìm hiểu một vấn đề; sưu tầm tài liệu bổ sung cho những vấn đề các em đang nghiên cứu… hoặc thu thập thông tin để giải quyết một vấn đề thực tiễn nào đó. Nói chung, đọc sách vì mục đích gì thì sinh viên phải xác định được ngay từ đầu mới đạt hiệu quả thiết thực.
- Đọc tài liệu để hiểu sâu kiến thức cơ bản của từng bài, từng chương và tiến tới cả học phần.
- Sinh viên biết tự triển khai những vấn đề cụ thể của từng học phần như: thiết kế, chuẩn bị câu hỏi cho các giờ thảo luận trên lớp; phương án giải quyết vấn đề, sinh viên nên thiết kế theo hướng từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.

4. Sinh viên lập kế hoạch học tập
 Nhằm tránh tình trạng chỉ tập trung học ở những thời điểm nhất định vào các kỳ thi, sinh viên cần thiết lập kế hoạch học tập của mình cho từng học phần, học kỳ, năm học. Để tạo điều kiện cho sinh viên vạch  kế hoạch học tập một cách thuận lợi và  khoa học, vào đầu mỗi học phần giảng viên cần cung cấp cho sinh viên đề cương chi tiết môn học, giới thiệu giáo trình, tài liệu tham khảo, số lượng bài kiểm tra, hình thức thảo luận trên lớp, hình thức thi kết thúc môn học, hướng dẫn sinh viên những nội dung tự học ở nhà…từ đó sinh viên lập kế hoạch học tập phù hợp với từng môn học, thời gian và đặc điểm tâm lý của bản thân.

   Kế hoạch học tập của sinh viên phải thực tế và linh hoạt, không thể lập một kế hoạch mà trong đó mỗi công việc đều quy định thời gian cụ thể. Vì như vậy, các em có thể gặp những tình huống bất ngờ và kế hoạch bị phá vỡ. Do đó, kế hoạch học tập của sinh viên không phải là cứng nhắc, mà là một kim chỉ nam, một phương hướng để sinh viên hành động. Đặc biệt, trong đào tạo theo học chế tín chỉ, sinh viên có nhiều thời gian để tự học, nên các em phải có kế hoạch sử dụng quỹ thời gian hợp lý, có như vậy các em mới làm chủ được quỹ thời gian, không bị động trước nhiều nguồn tư liệu cần phải đọc và các công việc phải hoàn thành theo yêu cầu và sự hướng dẫn của giảng viên.

Ngoài ra, để thực hiện tốt kế hoạch học tập, sinh viên phải có đủ phương tiện để học tập như: giáo trình, tài liệu tham khảo, cùng các phương tiện hỗ trợ khác... Tuy nhiên, việc tự học của sinh viên chỉ có kết quả khi có sự kiểm tra và đánh giá của giảng viên một cách thường xuyên hoặc sinh viên tự đánh giá, vì thông qua kiểm tra đánh giá giúp các em biết rõ ưu, nhược điểm của mình để có sự điều chỉnh hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả học tập.
         
Minh Duyên ( Bộ môn LLCT - Trường ĐH Phú Yên )


Tin liên quan  
Sinh viên Sư phạm được miễn học phí đến năm 2021
Sinh viên Sư phạm được miễn học phí đến năm 2021 (Dân trí) - Trong số những đối tượng không phải đóng học phí từ nay đến năm 2021 gồm có: Học sinh tiểu học trường công lập; học sinh, sinh viên ngành Sư phạm hệ chính quy đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập, theo chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước.
Bí quyết học tiếng Anh của nữ sinh “nói” 7 thứ tiếng
Bí quyết học tiếng Anh của nữ sinh “nói” 7 thứ tiếng Sau clip “nói” 7 thứ tiếng, Trần Khánh Vy một lần nữa nổi tiếng trên mạng xã hội vì khả năng nói tiếng Anh lưu loát cùng màn trình diễn rap ấn tượng trong một chương trình truyền hình.
Tâm thư giáo viên gửi tân Bộ trưởng Giáo dục gây sốt
Tâm thư giáo viên gửi tân Bộ trưởng Giáo dục gây sốt Tăng tiền lương, bỏ Thông tư 30, giảm sổ sách, bỏ thi giáo viên... là những tâm nguyện gửi tới tân Bộ trưởng Giáo dục đang được hàng nghìn giáo viên chia sẻ.
Suy Nghĩ về việc dạy Tin học – Hồ Đắc Phương
Suy Nghĩ về việc dạy Tin học – Hồ Đắc Phương Ở Đại học, tôi thường được phân công giảng dạy sinh viên năm thứ 2, thứ 4 và hướng dẫn khóa luận. Do công việc kiêm nhiệm phụ trách dạy môn Tin học cho trường THPT Chuyên KHTN, tôi có điều kiện trực tiếp sử dụng các học liệu dành cho cấp 3, quen biết và có đôi chút hiểu biết về tình hình dạy Tin học ở cấp 3 ở nhiều địa phương trên cả nước.
Giải pháp giúp sinh viên nâng cao năng lực tự học
Giải pháp giúp sinh viên nâng cao năng lực tự học GD&TĐ - Giảng viên Phạm Thị Thanh Hằng - Khoa Tiểu học - Mầm non (Trường ĐH Đồng Tháp) chia sẻ giải pháp bồi dưỡng năng lực tự học của sinh viên năm thứ nhất ngành Giáo dục tiểu học.
Trao đổi: Phương pháp tự học tốt các môn Lý luận - Chính trị
Trao đổi: Phương pháp tự học tốt các môn Lý luận - Chính trị Dạy và học là hai quá trình nằm trong một thể thống nhất biện chứng. Thầy dạy – trò học, dạy như thế nào sẽ có cách học tương ứng. Thực tế giảng dạy chúng tôi nhận thấy rằng không thể phát huy được tư duy sáng tạo của sinh viên, với tính chủ động cao trong học tập khi giảng viên sử dụng phương pháp dạy học nặng về truyền thụ kiến thức.