Chi tiết địa điểm
Hội gia sư
Hội gia sư

Đại học Đà Lạt


TP. Đà Lạt - Lâm Đồng

Hội gia sư
Số lần xem: 1148 lượt

 

 

QUÁ TRÌNH ĐỔI MI, PHÁT TRIN CA

TRƯỜNG ĐẠI HĐÀ LT

T NĂM 1976 ĐẾN NAY


 PGS. TS. Lê Bá Dũng

Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng


Trường Đại học Đà Lạt là một trường công lập được thành lập theo quyết định số 426/TTg ngày 27 tháng 10 năm 1976 của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cơ sở tiền thân của trường là Viện đại học Đà Lạt, một trường học tư thục thành lập thời kỳ chính quyền miền Nam trước 30 tháng 4 năm 1975, được bắt đầu đào tạo đại học từ niên khóa 1958 – 1959. Tính từ thời điểm này, đến nay trường Đại học Đà Lạt đã trải qua chặng đường 50 năm hình thành và phát triển. Trong quá trình đó, trường luôn luôn là một địa chỉ đào tạo có uy tín. Đặc biệt từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), đất nước thống nhất trường liên tục đổi mới, phát triển toàn diện, có tên tuổi trên toàn quốc và thế giới.

1.   Quá trình đổi mới, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo

Nhìn lại chặng đường đổi mới của trường Đại học Đà Lạt từ năm 1976 đến nay, về đào tạo luôn luôn được mở rộng quy mô ngành nghề theo hướng từ đào tạo các ngành khoa học cơ bản của khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Sinh, Hóa); đến đào tạo các ngành khoa học cơ bản của khoa học xã hội (Văn học, Lịch sử); đến đào tạo hướng nghiệp đặc thù (đào tạo Sư phạm); đến tiếp tục mở rộng đào tạo các ngành khoa học xã hội nhân văn (Ngoại ngữ, Luật học, Đông Phương học, …); đến đào tạo các ngành khoa học Kinh tế (Quản trị kinh doanh, Kế toán, …); đến đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ (Nông lâm, Công nghệ sinh học, Công nghệ sau thu hoạch, Công nghệ thông tin, Điện tử – Viễn thông). Có thể khẳng định, đây là một sự mở rộng đào tạo mang tính tất yếu xuất phát từ đường lối đổi mới đào tạo của Đảng ta mà cơ quan trực tiếp chỉ đạo thực hiện là Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết hợp với nội lực của nhà trường qua các thời kỳ.

Năm 1976 là mốc đổi mới đầu tiên của trường Đại học Đà Lạt. Trong quyết định thành lập trường của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Nhiệm vụ chủ yếu của trường Đại học Đà Lạt là đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật về một số ngành mũi nhọn, về một số ngành cần thiết cho hệ thống các Viện nghiên cứu khoa học đã và sẽ có ở Đà Lạt, vv…”. Với mục tiêu này, trong những năm đầu trường được giao nhiệm vụ đào tạo một số ngành khoa học cơ bản của khoa học tự nhiên với các ngành “mũi nhọn” như: Vật lý hạt nhân, Sinh học phóng xạ, Hóa phóng xạ và các ngành khoa học cơ bản khác là: Toán cơ bản, toán ứng dụng, vật lý điện tử, hóa đại cương, sinh học đại cương, sinh học thực nghiệm. Như thế chức năng ban đầu của trường Đại học Đà Lạt là một trường đào tạo khoa học cơ bản và trường Đại học Đà Lạt là một trong bốn trường đại học tổng hợp trên cả nước (Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tổng hợp Huế, Đại học Đà Lạt). Khóa đầu (1977-1978) trường tuyển sinh các ngành Toán học, Vật lý và Sinh học; khóa 2 (1978-1979) thêm ngành Hóa học. Chương trình đào tạo chủ yếu của các ngành dựa trên cơ sở chương trình đào tạo của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và các trường Đại học Tổng hợp của Liên xô cũ. Từ tuyển sinh đến quá trình đào tạo và sinh viên tốt nghiệp ra trường được thực hiện theo hướng đào tạo chọn lọc, “tinh hoa” nên quy mô đào tạo của trường bé nhỏ.

Từ năm 1982 – 1983, trường được giao thêm nhiệm vụ đào tạo các ngành khoa học cơ bản thuộc khoa học xã hội trên tinh thần chủ trương của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) là ở khu vực Tây Nguyên đào tạo khoa học cơ bản cần tập trung trong một trường. Vì vậy, tháng 8 năm 1982 trường tiếp nhận khoa Sư phạm từ trường Đại học Tây Nguyên (đóng ở Đắk Lắk) chuyển đến, trong đó có ngành Sư phạm Văn đã được đào tạo từ khóa I (năm học 1977 – 1978) và đội ngũ giảng viên ngành Sử học đang được xây dựng. Bắt đầu từ đây, tức là từ khóa 6 (1982 – 1983) trường có thêm ngành Văn học bao gồm Sư phạm Văn và Tổng hợp Văn. Có thể nói, đây là mốc quan trọng để trường Đại học Đà Lạt mở rộng đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề; vừa từng bước mở thêm các ngành khoa học xã hội, vừa đào tạo các ngành khoa học cơ bản theo mô hình của các trường đại học tổng hợp và mô hình các trường đại học sư phạm. Việc mở rộng đào tạo như thế thích hợp với thực tế nhà trường thời kỳ bao cấp: kinh phí nhà nước cấp hạn hẹp, các ngành khoa học xã hội yêu cầu về đầu tư kinh phí không lớn như các ngành khoa học tự nhiên và các ngành kỹ thuật. Phương thức đào tạo kết hợp giữa đào tạo cử nhân tổng hợp và cử nhân sư phạm của Đại học Đà Lạt thời kỳ này (1982) đến nay đã 26 năm, thể hiện rõ tính ưu việt, linh hoạt của một trường đại học cơ bản khi mở rộng ngành nghề đào tạo.

Năm học 1986 – 1987, với chủ trương đổi mới đào tạo của Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ VI (1986), thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường Đại học Đà Lạt đã nhanh chóng mở rộng ngành nghề, hình thức đào tạo. Ngay trong năm học 1986 – 1987, trường bắt đầu tuyển sinh đào tạo tại chức, đào tạo liên ngành, đào tạo theo hai giai đoạn. Các hình thức đào tạo này đã tạo điều kiện cho trường Đại học Đà Lạt, một trường đại học đào tạo khoa học cơ bản có điều kiện liên kết đào tạo với 4 trường đại học chuyên ngành ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là liên kết với trường Đại học Nông lâm mở ngành trồng trọt, chăn nuôi thú y, kinh tế nông nghiệp, kinh tế lâm nghiệp; liên kết với trường Đại học Tài chính – Kế toán mở ngành Ngân sách nhà nước, Tài chính kế toán; liên kết với trường Đại học Kinh tế mở ngành Kế hoạch hóa, Kinh tế quốc dân, Kinh tế công nghiệp, Kinh tế thương nghiệp; liên kết với trường Y dược mở ngành Dược học. Trong sự liên kết đào tạo này trường Đại học Đà Lạt đảm nhận giảng dạy các môn học đại cương trong 3 học kỳ đầu, các trường chuyên ngành giảng dạy các môn chuyên ngành. Vì vậy, nhiều sinh viên học các trường chuyên ngành ở Thành phố Hồ Chí Minh như Nông lâm, Kinh tế, Y dược,… trong năm thứ nhất và học kỳ I năm thứ 2 đã học ở Đại học Đà Lạt, sau đó chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh để học chuyên ngành.

Do sự linh hoạt, mềm dẻo của hình thức đào tạo, từ năm học 1987 – 1988 trường Đại học Đà Lạt đã liên kết với nhiều trường Đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, sớm thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng là đưa lớp học đến gần người học, mở đào tạo tại chức nhiều ngành nghề khác nhau ở Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Rang, Bảo Lộc; chuyển giao nhiều sinh viên khối B về học giai đoạn chuyên ngành ở đại học Nông lâm và đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Sự liên kết đào tạo, đào tạo hai giai đoạn, đào tạo liên ngành giữa Đại học Đà Lạt và một số trường Đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm này là mới mẻ trong ngành giáo dục đại học Việt Nam. Quá trình thực hiện đã được sự đồng thuận, chia sẻ của nhiều nhà giáo có tên tuổi trên cả nước và của người học trong khu vực. Đến nay, nhìn lại có thể khẳng định đây là sự đổi mới tư duy đào tạo của Ban Giám hiệu nhà trường thời kỳ này, đó là một đóng góp quan trọng cho sự phát triển, mở rộng quy mô đào tạo của nhà trường trong những thời kỳ tiếp theo.

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, quá trình mở rộng ngành nghề, tăng quy mô đào tạo của trường Đại học Đà Lạt diễn ra với những bước phát triển nhảy vọt. Từ liên kết đào tạo tại chức, trường đã xin Bộ Giáo dục và Đào tạo mở ngành Quản trị kinh doanh năm 1990, ngành Anh văn năm 1992, …Năm 1994 mở đào tạo thường xuyên cấp bằng đại học chính quy ở Đà Lạt và Nha Trang. Do ngành nghề được mở rộng, thích ứng với nhu cầu của xã hội cho nên sự thu hút người học tăng khá nhanh. Trước năm 1990 tổng số sinh viên khoảng 1200, đến năm học 1995 – 1996 tăng gấp 7 lần, đưa tổng số sinh viên toàn trường lên 8700 sinh viên.

Sự đột phá đào tạo của trường Đại học Đà Lạt trong giai đoạn này là đào tạo theo tín chỉ và thi trắc nghiệm khách quan. Từ năm học 1993 – 1994 trên cơ sở chủ trương của Bộ về cấu trúc và khối lượng kiến thức bậc đại học, để đào tạo thích ứng với sự chuyển đổi kinh tế- xã hội của đất nước, trường Đại học Đà Lạt đã xây dựng các chương trình đào tạo kết hợp giữa chuyên sâu và đa ngành để chuyển từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo kết hợp giữa đào tạo niên chế và đào tạo theo tín chỉ, tiến tới đào tạo theo tín chỉ (credit system). Đây là phương thức đào tạo phổ biến ở nhiều nước có giáo dục đại học phát triển và là mục tiêu cao nhất về đổi mới phương thức đào tạo do Bộ đề ra. Năm học 1994 – 1995 trường Đại học Đà Lạt bắt đầu đào tạo theo phương thức kết hợp giữa đào tạo theo tín chỉ và đào tạo theo niên chế, trong đó đào tạo theo tín chỉ là cốt lõi.

Song song với việc chuyển đổi phương thức đào tạo, năm học 1995 – 1996 nhà trường đặt trọng tâm vào việc tiếp tục hoàn chỉnh các chương trình đào tạo và mở các ngành đào tạo thích hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải nam Trung bộ; thực hiện việc chuyển đổi các hình thức thi, kiểm tra từ thi tự luận 100% sang thi trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận … Từ đó các hình thức thi kiểm tra này được thực hiện thường xuyên, trong đó thi tự luận là chủ yếu.

Về đào tạo Sau Đại học, từ năm học 1993 – 1994 trường bắt đầu mở đào tạo Thạc sĩ đối với các ngành Toán học, Vật lý, Sinh học. Năm học 1994 – 1995 trường liên kết với Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đào tạo Thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam và chuẩn bị xong chương trình đào tạo Thạc sĩ các ngành Lịch sử và Hóa học, xúc tiến để liên kết đào tạo Thạc sĩ cho ngành Quản trị kinh doanh. Việc đào tạo Sau Đại học đã giúp cho công tác bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ giảng dạy của nhà trường được tăng cường. Vì vậy đến những năm cuối thế kỷ XX trường đã có 61% cán bộ giảng dạy có trình độ trên đại học.

Từ năm 1999 đến năm 2007 nhiệm vụ trọng tâm về đào tạo của trường vẫn là đa dạng hóa ngành nghề, bậc đào tạo; mở rộng liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Nhiều ngành đào tạo mới được mở như Môi trường học (2000), Luật học (2001), Xã hội học, Quốc tế học, Văn hóa học, Kế toán. Đặc biệt một số ngành kỹ thuật, công nghệ cũng được bắt đầu đào tạo như Nông lâm, Công nghệ Sau thu hoạch, Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin và Điện tử – Viễn thông. Cũng trong giai đoạn này, để chuẩn bị cho chủ trương đào tạo liên thông của Bộ, nhà trường đã thuyết minh và được Bộ Giáo dục – Đào tạo cho phép đào tạo các bậc Trung học chuyên nghiệp và Cao đẳng. Đặc biệt năm 2005 trường đã được Chính phủ cho phép đào tạo Tiến sĩ.

Hiện nay mô hình đào tạo của trường Đại học Đà Lạt cơ bản ổn định với 52 ngành đào tạo thuộc các khối ngành khoa học tự nhiên – công nghệ, xã hội nhân văn, kinh tế học với 5 bậc đào tạo: THCN (3 ngành), Cao đẳng (4 ngành), Đại học (37 ngành), Sau Đại học (7 ngành), Tiến sĩ (1 ngành). Cùng với đào tạo tại chỗ, nhà trường đã liên kết với 31 cơ sở đào tạo ở các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ để đào tạo tại chức, chuyên tu, từ xa. Đặc biệt, từ năm học 2007 – 2008 sinh viên các hệ đào tạo thường xuyên, từ năm thứ nhất bắt đầu được đào tạo theo tín chỉ. Tổng số sinh viên toàn trường trong năm học 2008 – 2009 là 26.500. Tổng số sinh viên của 28 khóa đã tốt nghiệp cử nhân là 30.200. Chủ trương của nhà trường từ nay đến năm 2013 về công tác đào tạo là:

-     Tiếp tục mở một số ngành mang tính chọn lọc, đặc thù.

-     Đặt trọng tâm vào việc chuyển đổi toàn diện và triệt để sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ: hoàn thiện chương trình, đảm bảo đủ giáo trình tài liệu, nâng cao chất lượng phòng học, hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ đào tạo và các phòng thí nghiệm, cải tiến phương pháp dạy và học, cải tiến phương pháp thi - đánh giá kết quả, nâng cao chất lượng cán bộ giảng dạy, đổi mới công tác quản lý trên cơ sở đó để nâng cao chất lượng đào tạo.

-     Tăng cường công tác đào tạo thường xuyên.

-     Thu hút sinh viên là người nước ngoài đến trường học tập.

-     Tiếp tục mở đào tạo Sau Đại học các ngành Quản trị kinh doanh, Anh văn và đào tạo Nghiên cứu sinh các ngành: Sinh học, Ngữ văn, Vật lý.

-     Tăng quy mô đào tạo lên 30.000 sinh viên trong đó bao gồm 15.500 sinh viên chính quy và 14.500 sinh viên không chính quy.

2.   Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là đội ngũ giáo viên

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập trường ngày 27 tháng 10 năm 1976, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã ra quyết định bổ nhiệm thành lập Ban phụ trách trường gồm 3 người: TS. Trần Thanh Minh (Trưởng ban), TS. Phạm Bá Phong (ủy viên), CN. Nguyễn Hữu Mỹ (ủy viên).

Ngoài ban điều hành, đội ngũ cán bộ công chức ban đầu còn có gần 10 người do Bộ điều động đến và có 5 giáo chức cơ hữu, khoảng 10 cử nhân, nhân viên phục vụ của Viện Đại học Đà Lạt ở lại làm việc. Vì vậy, việc tìm kiếm, thu hút cán bộ về trường để xây dựng bộ máy, tăng cường đội ngũ cán bộ giảng dạy và phục vụ là nhiệm vụ được Ban phụ trách trường quan tâm hàng đầu. Do đó, sau hơn một năm, tức là đến khóa học tiếp theo (1978-1979) số cán bộ công chức đã lên đến hơn 100 người và trường đã tuyển sinh thêm ngành Hóa học. Đến những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, mặc dù đội ngũ cán bộ công chức còn thiếu và yếu, chỉ có một số cán bộ lãnh đạo trường và các khoa có trình độ cao, Ban phụ trách trường vẫn quyết tâm đề ra và thực hiện chủ trương cử cán bộ giảng dạy đi thực tập, nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài. Chủ trương này đã xuyên suốt trong quá trình xây dựng, phát triển nhà trường. Từ chủ trương đúng đắn này, trường đã chuẩn bị kịp thời cho việc chuyển giao các thế hệ, mở rộng ngành nghề, nâng cấp đào tạo trong các giai đoạn sau. Nhiều giảng viên có trình độ cao, nhiều PGS, TS của trường hiện nay trưởng thành từ chủ trương này, trong đó có hai Hiệu trưởng kế nhiệm trong những nhiệm kỳ tiếp theo và Hiệu trưởng đương nhiệm (nhiệm kỳ 2008 – 2013).

Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ công chức nói chung, cán bộ công chức giảng dạy nói riêng của nhà trường được thúc đẩy nhanh, toàn diện bắt đầu từ khi trường được Bộ cho phép đào tạo Sau đại học vào năm 1993-1994 trở đi với các ngành Toán Giải tích, Vật lý kỹ thuật, Sinh học thực nghiệm, Sinh thái tài nguyên, Văn học Việt Nam, Hóa phân tích, Lịch sử Việt Nam, Khoa học máy tính, Quản trị kinh doanh. Hơn 70% giảng viên của các khoa có đào tạo Sau đại học tại trường đều tham gia học Sau đại học. Một số khác đi học nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài.

Trước khi được đào tạo Sau đại học, trường có 180 cán bộ công chức, trong đó có 146 người có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; 08 người có trình độ trung cấp; 26 người là nhân viên hợp đồng và lao động giản đơn. Tổng số cán bộ công chức giảng dạy lúc này là 121 người, trong đó chỉ có 19% là PGS, TS, GVC. Sau hơn 6 năm có đào tạo Sau đại học tức là vào năm 2000 trường có 290 cán bộ công chức, trong đó có 205 giảng viên. Số giảng viên có trình độ PGS.TSKH, TS, Ths, GVC là 53%. Đến năm 2005 tỷ số này là 68%.

Song song với việc bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ công chức giảng dạy, việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức khối hành chính sự nghiệp cũng được nhà trường chú trọng. Từ năm 2000 đến nay nhiều chuyên viên ở các khoa, phòng ban được nhà trường cử đi học Sau đại học. Đến nay, số chuyên viên có bằng thạc sĩ, giảng viên chính khoảng 10%.

Hiện nay trường có 445 cán bộ, trong đó có 296 cán bộ công chức giảng dạy. Do nhiều ngành đào tạo mới được thành lập từ đầu năm 2000 trở lại đây nên số cán bộ công chức giảng dạy trẻ tăng nhanh với tỷ lệ cao. Phần lớn số cán bộ công chức giảng dạy này đang theo học cao học, nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài với tỷ lệ 80%.

Nhìn chung, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là đội ngũ giảng viên của trường Đại học Đà Lạt từ năm 1976 đến nay luôn luôn được các nhiệm kỳ Hiệu trưởng chú trọng, coi đây là nguồn lực của mọi nguồn lực để xây dựng nhà trường, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nhân lực có trình độ cao cho đất nước. Mọi thành tựu của nhà trường đều do sự phát huy trí tuệ, tâm huyết với sự nghiệp đào tạo của các thế hệ cán bộ, công chức nhà trường.

3.   Thành tựu nghiên cứu khoa học

Nhiệm vụ trọng tâm của trường Đại học Đà Lạt cũng như đa số các trường đại học trên thế giới là đào tạo nhân lực có trình độ cao và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Trong 50 năm hình thành và phát triển, ở bất cứ giai đoạn nào công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường cũng được chú trọng hàng đầu song song với công tác đào tạo.

Thời kỳ 1958 – 1975 khi trường mang tên Viện Đại học Đà Lạt công tác nghiên cứu khoa học chủ yếu tập trung vào nghiên cứu khoa học cơ bản phục vụ giảng dạy. Kết quả nghiên cứu của giáo chức cơ hữu chủ yếu được công bố trên các ấn phẩm nội bộ của nhà trường như: tạp chí Tri thức, tạp chí Sử - địa, …

Từ năm 1976 đến nay công tác nghiên cứu khoa học nhìn chung phát triển song hành với quá trình mở rộng quy mô đào tạo và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước là nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ. Thành tựu đạt được là đáng khích lệ.

Giai đoạn 1976 – 1985 công tác nghiên cứu khoa học của trường còn hạn chế. Đây là giai đoạn mà đội ngũ cán bộ giảng dạy đa số mới tốt nghiệp đại học từ các trường đại học trong nước và nước ngoài đến nhận công tác. Vì vậy nghiên cứu khoa học tập trung vào mục đích bồi dưỡng cán bộ trẻ và phục vụ biên soạn giáo trình.

Từ năm 1986 trở đi, trên tinh thần chủ trương đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI bức tranh về đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường ngày một khởi sắc. Công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên được các thế hệ lãnh đạo chú trọng, xem đó là một hoạt động quan trọng của nhà trường. Định hướng nghiên cứu khoa học được đề ra cụ thể cho các khoa, ngành đào tạo như nghiên cứu ứng dụng (các khoa Toán học, Vật lý), nghiên cứu chuyển giao công nghệ (các khoa Hóa học, Sinh học, Nông lâm), nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên khu vực Tây Nguyên (Khoa Sinh học), nghiên cứu Văn học và ngôn ngữ các dân tộc ít người ở Tây Nguyên (khoa Ngữ văn), nghiên cứu lịch sử, dân tộc học khu vực Tây Nguyên (khoa Lịch sử), … Nhiều hợp đồng ký kết nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các tỉnh, Viện nghiên cứu, các trường Đại học trong nước và nước ngoài được ký kết thực hiện như Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Viện kỹ thuật cao cấp Hàn quốc (KAIT), Viện kỹ thuật cao cấp Kyoto (Nhật bản), trường Đại học UBC Canada, Đại học Quốc gia Andong (Hàn quốc), Đại học Quốc gia Nagasaki (Nhật bản), Đại học Tokyo (Nhật bản), Đại học Kinh Mang Kinh (Thái lan), … Tổng số các đề tài nghiên cứu từ năm 1990 đến nay cụ thể như sau:

-       Đề tài khoa học cơ bản cấp Nhà nước: 05.

-       Đề tài khoa học trọng điểm cấp Bộ: 09.

-       Đề tài khoa học cấp Bộ: 149.

-       Đề tài khoa học cấp Tỉnh: 38.

-       Đề tài khoa học cấp cơ sở: 560.

-       Đề tài khoa học sinh viên: 284.

-       Đề tài khoa học liên kết với các Viện, trường Đại học nước ngoài: 32.

-       Hàng trăm bài báo đã đăng, hàng chục cuốn sách đã xuất bản trên tạp chí chuyên ngành trong nước và nước ngoài.

Nhìn chung công tác nghiên cứu khoa học của trường Đại học Đà Lạt đạt thành tựu đáng kể. Thành tựu này cùng với thành tựu về đào tạo đã góp phần nâng cao uy tín của trường Đại học Đà Lạt trên toàn quốc và thế giới.

4.   Quan hệ quốc tế, nâng cao uy tín của nhà trường trên thế giới

Viện Đại học Đà Lạt trước năm 1975 quan hệ quốc tế chủ yếu đối với các tổ chức xã hội và đào tạo, nghiên cứu khoa học ở Mỹ, Pháp, Tây Đức, Thái Lan, Hàn quốc, … Mục đích của quan hệ là thu hút tài trợ và giảng dạy phục vụ đào tạo.

Từ năm 1976 quan hệ quốc tế của trường Đại học Đà Lạt luôn luôn được các thế hệ lãnh đạo nhà trường chú trọng với mục đích: Gửi cán bộ giảng dạy đi thực tập sinh và nghiên cứu sinh, mời các giáo sư có uy tín đến trường tham gia đào tạo, nhận tài trợ trang thiết bị phục vụ đào tạo và học bổng sinh viên, từ khoảng 10 năm trở lại đây bắt đầu trao đổi giảng dạy theo hai chiều với một số trường Đại học ở Tây Âu. Quá trình quan hệ quốc tế qua các giai đoạn, trường Đại học Đà Lạt đã từng bước giới thiệu mình với bạn bè nhiều nước trên thế giới.

Thời kỳ 1976 – 1985 chủ yếu trường có quan hệ với các nước ở châu Âu như Liên xô cũ, Ba lan, Tiệp khắc, Pháp… Quan hệ quốc tế lúc này phần lớn thông qua Bộ chủ quản và một số đồng chí lãnh đạo trường đã từng học tập, công tác ở châu Âu. Mục đích của quan hệ là làm cơ sở để gửi cán bộ giảng dạy đến thực tập và nghiên cứu sinh. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đến nay quan hệ quốc tế của nhà trường ngày càng mở rộng, đặc biệt là từ khi Đảng ta có chủ trương “Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước”. Trong 15 năm gần đây công tác quan hệ quốc tế của nhà trường đa dạng và có chiều sâu, đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học, các tổ chức xã hội thuộc nhiều nước trên thế giới như: Đại học Georgetown, Đại học Bách khoa Calpoly Pomona, Đại học Northern Iowa, Đại học Harvard-Yeching, ELI (tổ chức giảng dạy tiếng Anh), VIA (Tổ chức tình nguyện tại châu Á) của Hoa kỳ; Đại học Quebec-Montreal, Đại học Simon Fraser, WUSC (Tổ chức hỗ trợ đại học), Đại học Laval, Công ty RNR-Nortel, Đại học British Colombia của Canada,  Lãnh sự quán Canada; Đại học Queensland, Đại học Melbourne, Tổ chức AYAD của Úc; Đại học Aix-Marseille, Đại học Nice, Anpel-UREF (tổ chức các đại học), Interface, Đại học Avignon của Cộng hòa Pháp; KAAD (Tổ chức giáo dục đại học) của Đức, VVOB (Tổ chức hỗ trợ giáo dục) của Vương quốc Bỉ; Chương trình đào tạo SAV-AIT của Thụy sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Cambri-dge, The British Council (Hội đồng) của nước Anh; Đại học Quốc gia Chungbuk, Đại học Quốc gia An Đông, Đại học Wonkwang, Đại học Deagu, Đại học Kaya, Đại học Soongsil, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Sejong, Viện KAIST, Viện KAERI, Viện KICOS, Tổ chức KOICA, Tổ chức Korea Foundation, Công ty POSCO, Công ty Doosan của Hàn quốc, Đại sứ quán Hàn Quốc, Lãnh sự quán Hàn Quốc; Đại học Okayama, Viện JEARI, Viện Công nghệ Kyoto, Hội ủy ban Nhật – Việt, Tổ chức AIYUGO của Nhật bản, Đại sứ quán Nhật bản, Lãnh sự quán Nhật bản; Học viện kỹ thuật Thonburi-King Mongkut, Viện kỹ thuật Suranaree của Thái lan; Đại học Quốc gia Chinan, Đại học Shu-te, Đại học Diwan, Đại học Thành Công, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc của Đài Loan; … Trong số các trường Đại học, Viện nghiên cứu nước ngoài quan hệ hợp tác với trường có nhiều trường đã cùng Đại học Đà Lạt ký văn bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hiện nay Đại học Đà Lạt là thành viên chính thức của Hiệp hội các đại học nói tiếng Pháp (AUFEL-UREF), Hiệp hội các đại học châu Á-Thái Bình Dương (AUAP).

Có thể khẳng định công tác quan hệ quốc tế của Đại học Đà Lạt luôn luôn song hành với công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thành quả đạt được trong công tác này có thể nói là chưa tương xứng với sự phát triển của nhà trường, tuy nhiên trong thời gian qua công tác này đã hỗ trợ tích cực cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và giới thiệu trường Đại học Đà Lạt với bạn bè trên thế giới, góp phần nâng cao uy tín của nhà trường.

5.   Giữ gìn, phát triển cơ sở vật chất phục vụ đào tạo theo hướng hiện đại hóa

Nền tảng cơ sở vật chất của trường Đại học Đà Lạt do Viện Đại học Đà Lạt trước năm 1975 gây dựng. Từ ngày được tái thành lập (27/10/1976) đến nay cơ sở vật chất phục vụ đào tạo của trường liên tục phát triển, đổi mới theo hướng hiện  đại hóa.

Cơ ngơi do Viện Đại học Đà Lạt để lại trên khuôn viên khoảng 38 ha và hơn 40 tòa nhà lớn nhỏ, phần lớn là nhà cấp 4 dùng làm giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, nơi làm việc hành chính, chỗ ở của giáo chức, khu nội trú sinh viên, nhà ăn, căn tin, … Các giảng đường được trang bị phương tiện khá tốt so với yêu cầu giảng dạy và học tập lúc bấy giờ. Thư viện với hàng vạn cuốn sách bao gồm nhiều chủng loại. Các phòng thí nghiệm đại cương mặc dù còn khiêm tốn nhưng là cơ sở thực tập rất cần thiết cho việc đào tạo… Vì vậy ngay sau khi tái thành lập trường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo một cách thuận lợi.

Từ năm 1976 đến 1989 do kinh phí của Nhà nước được cấp hạn hẹp, công tác đào tạo đã phát triển nhưng vẫn còn nhỏ bé cho nên về cơ bản cơ sở vật chất của nhà trường chỉ được tu sửa, giữ gìn, chống xuống cấp. Đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX quy mô đào tạo phát triển nhanh, trước năm 1990 là hơn 1000 sinh viên nhưng đến năm 1995 là 8900 sinh viên. Do đó việc xây dựng thêm giảng dường, tăng cường trang thiết bị thí nghiệm, sách thư viện, … được đặt ra cấp bách. Trên cơ sở nguồn tài chính do Bộ chủ quản cấp và vốn tự có, nhà trường đã huy động hàng chục tỷ đồng để cải tạo xây dựng mới khu nhà liên hoàn hai tầng bao gồm giảng đường và hội trường A8B, giảng đường hai tầng A30, giảng đường ba tầng A27, khu nhà thể thao đa năng, … với tổng diện tích sử dụng hơn 5000 m2. Nhiều phòng học, phòng thí nghiệm được xây dựng từ trước năm 1975 được tu sửa, mở rộng để phục vụ đào tạo.

Từ năm 2000 đến nay quy mô đào tạo ngày càng được mở rộng, khối ngành khoa học tự nhiên-công nghệ được tăng cường, vấn đề đổi mới phương pháp dạy và học tập được đặt ra bức thiết. Yêu cầu này đòi hỏi sự phát triển cơ sở vật chất phải chú trọng toàn diện, từng bước hiện đại hóa. Trong khoảng 8 năm trở lại đây nhà trường đã xây dựng xong và đang xây dựng nhiều khu nhà liên hợp với hạng mục cao cấp và trang thiết bị hiện đại. Đáng chú ý là khu nhà liên hợp cao tầng của sinh viên khu nội trú với diện tích sử dụng là 3000 m2 được trang bị tiện nghi hiện đại, sẽ là chỗ ở cho sinh viên nước ngoài đến học tập; Trung tâm Thông tin-Thư viện cao tầng có diện tích sử dụng hơn 8000 m2 được đầu tư hệ thống thiết bị điện tử và phần mềm nghiệp vụ thư viện hiện đại, được điện tử hóa và có nguồn thông tin điện tử khá phong phú, được đánh giá là một trong những thư viện đại học hiện đại quy mô nhất hiện nay; hai khu nhà liên hợp khác đang được xây dựng sẽ đưa vào sử dụng đầu năm 2009 là khu giảng đường hai tầng A7, khu liên hợp thí nghiệm cao tầng A11; khu giảng đường cao tầng A31 cũng sẽ được khởi công xây dựng vào quý IV năm 2008. Các trang thiết bị phục vụ đào tạo có nhiều hạng mục đạt chuẩn cao.

Nhìn chung cơ sở vật chất của trường Đại học Đà Lạt hiện nay đã và đang được hiện đại hóa thích ứng với phương thức đào tạo theo tín chỉ và quy mô đào tạo bao gồm 52 ngành nghề của các bậc đào tạo từ Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học, Sau Đại học đến Nghiên cứu sinh.

6.   Mục tiêu chiến lược đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020

Tiếp tục mục tiêu chiến lược từ khi Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 và các giai đoạn kế tiếp sau đó, mục tiêu chiến lược của trường Đại học Đà Lạt từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 là: phấn đấu hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa hệ và có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; xây dựng trường thành trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và là trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội mang bản sắc Tây Nguyên; từ đó xây dựng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Để thực hiện chiến lược này, trường Đại học Đà Lạt sẽ tập trung vào một số mục tiêu như sau:

-       Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo phù hợp với mô hình đào tạo, sự phát triển khoa học, công nghệ của đất nước và khu vực.

-       Tiếp tục mở thêm một số ngành đào tạo mà nhu cầu xã hội đang đặt ra, đặc biệt là các ngành kỹ thuật-công nghệ; tăng cường đào tạo Sau Đại học và Nghiên cứu sinh; nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút sinh viên nước ngoài, học viên cao học và nghiên cứu sinh.

-       Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học theo hướng kỹ thuật công nghệ và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Xây dựng lộ trình để thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ, nghiên cứu Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

-       Từng bước hiện đại hóa hệ thống các phòng thí nghiệm.

-      Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài.

-       Đổi mới cơ chế quản lý điều hành hiện đại, hiệu quả

Hội gia sư
  • Địa chỉ: Số 01 Phù Đổng Thiên Vương, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng
  • Điện thoại: (063)3822246
  • Email: Đang cập nhật
  • Website: http://www.dlu.edu.vn/
Hội gia sư
  • Mã tỉnh: Đang cập nhật
  • Mã trường: TDL
  • Khu vực: Đang cập nhật

CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO

STT Bậc đào tạo Chuyên ngành đào tạo
1 Đại học Công nghệ sau thu hoạch
2 Đại học Công nghệ Sinh học
3 Đại học Công nghệ thông tin
4 Đại học Công tác xã hội
5 Đại học Đông phương học
6 Đại học Hoá hữu cơ
7 Đại học Kế toán
8 Đại học Khoa học môi trường
9 Đại học Kỹ thuật điện tử, truyền thông
10 Đại học Lịch sử
11 Đại học Luật
12 Đại học Ngôn ngữ Anh văn
13 Đại học Nông Học
14 Đại học Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành
15 Đại học Quản trị kinh doanh
16 Đại học Quốc tế học
17 Đại học Sinh thái học
18 Đại học Sư phạm Anh văn
19 Đại học Sư phạm Hóa học
20 Đại học Sư phạm Lịch sử
21 Đại học Sư phạm Ngữ văn
22 Đại học Sư phạm Sinh học
23 Đại học Sư phạm Tin học
24 Đại học Sư phạm Toán học
25 Đại học Sư phạm Vật lý
26 Đại học Văn hóa học
27 Đại học Văn học
28 Đại học Vật lý
29 Đại học Việt Nam học
30 Đại học Xã hội học
Hội gia sư   Hội gia sư
Hội gia sư
Hội gia sư