Chia sẽ kinh nghiệm  

Vui buồn nghề gia sư


Gia sư là nghề được đông đảo sinh viên lựa chọn làm thêm. Nhiều người nhìn vào cứ nghĩ đây là việc làm thêm nhàn hạ. Tuy nhiên, chỉ có người trong cuộc mới hiểu được nỗi nhiêu khê chẳng khác gì phận “làm dâu trăm họ” khi nhận công việc này…

Ngoài tình cô trò, Mỹ Ly và bé Quyên còn là một đôi bạn thân thiết. Ảnh: K.M.


* Mệt nhoài với “ba tầng thử thách”
Ai cũng biết muốn được nhận lớp nhanh khi tìm việc phải thông qua các trung tâm gia sư (TTGS). Nếu gặp được TTGS uy tín, người đi dạy thêm sẽ phần nào nhẹ nhàng. Tuy vậy, vẫn có nhiều TTGS “chui”, làm ăn chụp giựt, đưa người tìm việc vào chỗ dở khóc dở cười. Trường hợp của bạn N.H.N (đang học thạc sĩ tại Đại học Cần Thơ) nằm trong số hiếm hoi khi cả năm trời bị bóc lột tiền lương. Năm rồi, đọc tờ rơi quảng cáo tuyển gia sư, H.N hăng hái đăng ký dạy lớp 4, với mức thù lao 600.000 đồng/tháng, mỗi tuần dạy 3 buổi, chi hoa hồng 40% và cuối tháng phải đến trung tâm để nhận thù lao. Sau một năm, H.N mới biết mình bị lừa khi phụ huynh học sinh cho biết: “Tháng nào chị cũng trả cho trung tâm 750.000 đồng!”. Bạn H.N bức xúc: “Mình tức nhưng chẳng biết làm gì khi biết người giới thiệu ăn trên đầu trên cổ như vậy, vì chẳng biết kiện cáo với ai!”.

Thông thường, các trung tâm gia sư sẽ thu từ 35% - 40% lương tháng đầu tiên của người xin dạy. Sau một tuần dạy thử nếu trục trặc sẽ trả lại hoa hồng và giới thiệu nơi khác. Nhưng không phải TTGS nào cũng thực hiện đúng như giao ước. Có nơi lấy tiền của người đăng ký xong, TTGS cho địa chỉ nhà, số điện thoại nơi cần thuê rồi bỏ mặc người tìm việc. Dạy vài ngày, nếu học sinh hay phụ huynh học sinh không hài lòng thì coi như mất trắng tiền hoa hồng. Nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, phải mượn tiền để đóng trước khi nhận lớp chỉ còn biết kêu trời trong thế “tiền đã trao mà cháo... vẫn chưa múc được” này!

Tìm được một chỗ dạy đã khó nhưng để “trụ” được lâu dài càng gian nan gấp bội. Bên cạnh những phụ huynh đối đãi lịch sự, tôn trọng gia sư thì cũng có không ít phụ huynh xem gia sư của con mình như “người ở có học thức”. Bạn H.L (sinh viên năm thứ 4 - Đại học Cần Thơ) khá bức xúc khi nhắc đến thái độ của một phụ huynh nhà trên đường T.H.N mỗi khi tới ngày lãnh lương. Cách người mẹ học sinh nói chuyện và phát lương hàng tháng như thể H.L là người giúp việc trong nhà. H.L cố “cho qua” để có việc làm, bởi tìm được một mối dạy cũng rất khó. Nhiều lúc muốn bỏ ngang nhưng nhớ tới mấy trăm ngàn đã đóng “đầu vô” cho TTGS lại thôi thúc H.L. cố “dấn bước”.

H.L. còn may mắn là được nhận lương đều đều, riêng trường hợp của H.Y (sinh viên năm 2- Đại học Y dược Cần Thơ) thì lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì mỏi mòn... đòi lương. Tháng đầu tiên, mẹ học sinh trả lương đầy đủ nhưng càng về sau gia hạn càng dài. Nguyên nhân là người vợ tiêu xài quá trớn nên tiền chồng gởi tháng nào cũng thiếu. Cuối tháng là hẹn tuần sau, rồi đến tuần sau thì bảo con gọi đến “xin cô cho nghỉ để con đi du lịch”. Thấy kéo dài lê thê H.Y tìm cách liên lạc với người chồng đang làm ăn ở xa. Người chồng tức tốc về Cần Thơ gặp H.Y thanh toán tiền lương kèm theo lời xin lỗi: “Bà xã anh tệ quá. Tháng nào anh cũng gởi tiền về mà bả làm ăn như thế!”. Hụt hẫng nhất có lẽ là Q.N (sinh viên năm thứ nhất – Trường Cao đẳng Cần Thơ). Chân ướt chân ráo lên Cần Thơ đi học, tìm được mối dạy ở đường Lý Tự Trọng khiến Q.N mừng vô kể. Đến nhà phụ huynh thỏa thuận giá cả, thời gian dạy vừa xong, ra khỏi nhà thì có hai tên côn đồ chạy xe gắn máy trờ đến. Một tên nhảy xuống tát Q.N. mấy cái rồi lấy chiếc xe đạp Q.N mới mượn của bạn chung phòng chạy mất. Đang lo lắng chẳng kiếm đâu ra tiền mua xe trả bạn thì Q.N được phụ huynh liên hệ gởi cho 500.000 đồng gọi là tiền “chia sẻ rủi ro” và chai dầu thoa vết bầm. Chưa kịp cảm động thì câu kèm theo của phụ huynh này làm N. chết đứng: “Mai em khỏi lại nhà chị dạy. Đầu năm đầu tháng mà xui thế thì không được đâu!”.

Các gia sư nhiều lúc cũng “điên đầu” với học sinh cá biệt. Chị K.T. (đã tốt nghiệp đại học đi làm ở quận Ô Môn) hàng tuần đều tranh thủ về trung tâm thành phố dạy kèm. Học sinh được chị kèm cứ liên tục gọi điện cho chị xin nghỉ với lý do: bệnh, đi chơi với cha mẹ, về ngoại... Gần một tháng sau, chị đến dạy mới vỡ lẽ khi mẹ học sinh này hỏi: “Sao nghỉ lâu vậy em? Có gì cũng thông báo cho chị biết chứ!”. Trường hợp cô sinh viên H.L kể trên cũng không kém “ khổ sở” với cậu học trò lớp 4. Cô giáo vừa mở lời hướng dẫn thì học sinh nhanh nhảu bảo “em biết rồi!”, nhưng cho làm bài thì cứ như “gà mắc tóc”. Cậu học trò còn hay đòi cô mua quà mỗi lần đến dạy. Cuối tháng lại nài nỉ cô đưa đi chơi. Lúc đầu H.L còn chiều theo để mong “dạy tốt-học tốt”, nhưng lâu ngày “hao hụt” chịu hết xiết nên làm ngơ...

* Ấm áp yêu thương...

Bên cạnh một số phụ huynh, học sinh khiến gia sư chán nản bỏ việc sau vài tuần đến dạy thì cũng có rất nhiều câu chuyện cảm động xoay quanh mối quan hệ thầy-trò, thầy-phụ huynh... Đó cũng là động lực giúp các gia sư gắn bó lâu dài. Bạn Mỹ Ly (học thạc sĩ tại Đại học Cần Thơ) thì luôn thấy quấn quýt với cô học trò tên Quyên (hẻm 66 đường Nguyễn Văn Cừ). Bé Quyên học rất giỏi, lại chăm ngoan nên công việc của Mỹ Ly cũng khá thuận lợi. Bên cạnh đó, bé rất quý mến cô. Có khi mới gặp nhau xong, liền sau đó bé Quyên lại điện thoại nói chuyện với cô. Khi thì trao đổi bài vở, khi hỏi thăm cô, cả việc “dạy cô chơi cờ vua” và nhắc cô tập luyện mỗi ngày. Gia đình Quyên cũng thân tình, có gì ngon là gởi biếu cô giáo. Phụ huynh cũng rất thông cảm với hoàn cảnh của Ly nên cứ dặn: “Em muốn dạy lúc nào cứ sắp xếp. Miễn sao công việc em không trở ngại là được!”. Thế nên Mỹ Ly gắn bó cùng gia đình hơn 2 năm nay.

Chị Thanh Bình (nay đã ra trường đi dạy ở một trung tâm ngoại ngữ) vẫn còn cảm thấy ấm áp khi nhắc đến gia đình cậu học trò lớp 5 của mình trước đây. Mỗi khi thấy cô giáo tới, mọi người trong nhà ân cần hỏi han, lấy nước cho cô uống, có gì ngon cũng dành phần cô. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm dạy theo chương trình cải cách, kết quả học tập không cao nhưng phụ huynh không phiền trách mà còn tìm mua sách giáo viên để chị tham khảo. Đó cũng chính là động lực giúp Bình cố gắng nghiên cứu, “nâng chất” và chị đã mừng đến phát khóc khi biết học trò thi đậu vào Trường THCS Đoàn Thị Điểm.

Còn H.L. dù chẳng thiết tha với mẹ của học sinh nhưng vẫn cố “bám trụ” vì cảm thương học trò quá thiếu thốn tình cảm. Do cha cậu bé đi làm ăn xa, mẹ thì đi làm từ sáng đến tối mịt, tối tối lại thường đi “vui vẻ” với bạn bè nên ngày T.N chỉ thui thủi cùng cô giúp việc. Không có ai gần gũi tâm sự nên cậu bé chỉ “chơi với cái ti-vi” và những ngày gặp H.L, cứ quyến luyến không muốn cho cô về. H.L tâm sự: “Thấy thái độ của mẹ bé T.N mình rất chán, định bỏ việc nhưng nghĩ tới học trò lại đến dạy để em có người bầu bạn!”.

Theo H.N và nhiều sinh viên, ít có việc làm thêm nào giúp họ nếm trải nhiều cung bậc cảm xúc như nghề gia sư. Và những trải nghiệm từ công việc ít nhiều giúp các sinh viên trưởng thành hơn. Có lẽ vì vậy mà một số sinh viên thường đùa: Muốn vững vàng trong cuộc sống hãy thử một lần đi làm gia sư!

Nguồn: Báo Cần Thơ


Tin liên quan  
Phương pháp dạy con của mẹ Mỹ
Phương pháp dạy con của mẹ Mỹ Sang Mỹ 3 năm, điều tôi phải kính phục và ghen tị với người Mỹ đó là cách nuôi dạy con của họ.
Phương pháp dạy con của người Nhật
Phương pháp dạy con của người Nhật Dạy con theo phương pháp Nhật Bản có nhiều điểm khá phù hợp với văn hóa phương Đông của người Việt, giúp trẻ phát triển toàn diện năng lực và nhân cách.
11 điều trường học không dạy bạn
11 điều trường học không dạy bạn Tỷ phú Bill Gates đã có một bài phát biểu tại một trường trung học về 11 điều trẻ em đã không được học và sẽ không bao giờ được học khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Phương pháp học tiếng Anh hiệu quả
Phương pháp học tiếng Anh hiệu quả Chắc hẳn các bạn đều đồng ý rằng, để học bất cứ kiến thức gì, hai yếu tố quan trọng nhất là phương pháp và tích lũy. Tiếng Anh hiện nay có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển nghề nghiệp của mỗi cá nhân.
Học toán như thế nào – Jo Boaler
Học toán như thế nào – Jo Boaler HTN: Dưới đây là bản lược dịch bài giảng trực tuyến của Jo Boaler (đại học Stanford) trên Coursera. Bài giảng có ba phần do Trần Quang Nghĩa gửi đến Học Thế Nào.
Vui buồn nghề gia sư
Vui buồn nghề gia sư Gia sư là nghề được đông đảo sinh viên lựa chọn làm thêm. Nhiều người nhìn vào cứ nghĩ đây là việc làm thêm nhàn hạ. Tuy nhiên, chỉ có người trong cuộc mới hiểu được nỗi nhiêu khê chẳng khác gì phận “làm dâu trăm họ” khi nhận công việc này…
Tự học – một phương pháp học tập cơ bản của sinh viên
Tự học – một phương pháp học tập cơ bản của sinh viên Chỉ có thể bằng con đường tự học sinh viên mới có thể học hỏi được điều gì đó. Nhiệm vụ duy nhất của Nhà trường là tạo thuận lợi cho quá trình tự học. Nếu như không làm được điều này, Nhà trường sẽ đánh mất ý nghĩa tồn tại của mình.
9X đạt điểm IELTS 8.0 nhờ cách học lạ
9X đạt điểm IELTS 8.0 nhờ cách học lạ Học lực bình thường, không qua một trung tâm luyện thi nào nhưng với niềm yêu thích và bí quyết lạ lẫm, Trần Thế Thông (18 tuổi) đã đạt mức điểm IELTS 8.0.
Học sinh chán môn văn trong nhà trường
Học sinh chán môn văn trong nhà trường Theo TS Chu Văn Sơn, chưa bao giờ học sinh chán môn văn như hiện nay. Nếu như văn không phải môn bắt buộc thi tốt nghiệp, có thể số học sinh lựa chọn còn ít hơn sử.
Cách dạy và học Sử tại Anh
Cách dạy và học Sử tại Anh Tôi là giáo viên Sử ở Anh khoảng 20 năm, dạy cho học sinh từ 11 đến 18 tuổi. Sáu năm gần đây, tôi chủ yếu dạy ở các trường cao đẳng.