Chia sẽ kinh nghiệm  

Thế nào là dạy giỏi?


Tất nhiên trong giáo dục - đào tạo còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết với một quyết tâm cao để đạt được một sự đồng thuận. Nhân ngày 20/11, nhớ lại quãng đời học sinh cũng như khi đứng trên bục giảng trường ĐH, chúng tôi chỉ muốn trao đổi đôi điều có liên quan tới dạy giỏi.

 

Một khi động cơ học tập lành mạnh đã được xác lập, việc còn lại chỉ là dạy và học. Hai nhân tố này tác động lẫn nhau. Thầy dạy hấp dẫn thì trò sẽ say mê học tập kể cả những trò vốn chậm tiếp thu. Trò học tiến bộ thì thầy càng phấn khởi, tìm mọi cách để dạy tốt hơn. Các công cụ giảng dạy vì những lý do đặc thù nào đó có thể còn nghèo nàn cũng được khắc phục bằng lòng quyết tâm với những sáng kiến của thầy và trò. Những ưu tư về đãi ngộ đối với những người “suốt đời nguyện lái đò ngang đưa khách sang sông” cũng không còn quá lớn.

 

Từ những kỷ niệm về giáo viên dạy giỏi trước đây

 

Nhắc lại những kỷ niệm này để thấy vấn đề giáo viên dạy giỏi (GVDG) có quan hệ mật thiết với giáo dục truyền thống. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, trong ký ức chúng tôi vẫn còn đọng lại hình ảnh những GVDG. Từ cấp trung học cơ sở (đệ nhất thành chung - lớp 6 bây giờ), GVDG đã không cho phép chúng tôi chép nguyên văn những lời thầy nói mà ghi bài giảng theo cách riêng của từng người.

 

Thế nào là dạy giỏi?

 

Các thầy cô giáo dạy giỏi luôn nhận được sự tôn vinh của xã hội. (Ảnh VNN)Thời ấy vì chưa có sách giáo khoa nên khi dạy đến các định luật, định lý thì các giáo viên mới đọc chậm để chúng tôi chép nguyên văn. Đến tận bây giờ chúng tôi vẫn chưa hiểu tại sao ở cấp tiểu học những GVDG thường là những người đứng tuổi.

 

Trái lại, ở cấp phổ thông, tuổi thầy và trò chênh nhau không nhiều. Thế nhưng, vì “văn” và “lễ” (hiểu theo nghĩa rộng) đã quyện vào nhau thật nhuần nhuyễn nên các GVDG mặc dầu còn rất trẻ vẫn được học sinh kính trọng. Các GVDG môn Toán luôn nhắc chúng tôi phải tự đặt cho mình câu hỏi: “Tại sao?”, “Có cách nào khác không?”… Các GVDG môn Văn không hề cho chúng tôi những bài mẫu bởi những bài mẫu đã có trong các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong và ngoài nước.

 

Quả thật lúc bấy giờ chưa nêu thành khẩu hiệu nhưng các GVDG đã thực sự “lấy người học làm trung tâm”. Bài giảng hấp dẫn vì khả năng liên hệ với thực tiễn của các GVDG rất sinh động. Từ những định lý kinh điển về Toán, Lý, Hoá đến nội dung các môn Văn, Sử, Địa, không GVDG nào quên phần liên hệ.

 

Các GVDG đã tạo lập cho chúng tôi một tinh thần tự giác cao độ. Giờ học, không ai nói chuyện riêng. Không ai nhìn ra ngoài đường. Cả lớp im phăng phắc. Cái im lặng như nuốt từng lời giảng của thầy chứ không phải thứ im lặng do chán chường mà... ngủ gật.

 

Lời các GVDG hấp dẫn đến mức trống trường báo đã hết buổi học nhưng học sinh chẳng ai muốn rời chỗ ngồi mặc dầu bữa ăn sáng chỉ là mấy củ khoai lang hoặc một bát ngô bung.

 

GVDG đã truyền cho chúng tôi lòng say mê khoa học và tình yêu Tổ quốc. Hệ quả tất yếu là “học đi đôi với hành” và “muốn học thật tốt thì phải hỏi”. Hỏi thầy, hỏi bạn, hỏi một khi thấy sự vật, hiện tượng, quá trình... mà mình không giải thích được. Không GVDG nào không tranh thủ tự mình học thêm để nâng cao trình độ. Lòng say mê học tập của các thầy cô đã nêu những gương sáng cho chúng tôi.

 

Đến việc tìm hiểu những GVDG hiện nay

 

Phải mất gần 20 năm chúng ta mới thống nhất nhận định về chất lượng giáo dục - đào tạo không được như mong muốn, trong đó có những bất cập về chất lượng giáo viên. Thấy được những khiếm khuyết đó, nhiều địa phương đã đặt vấn đề sàng lọc giáo viên, xem như điểm đột phá. Tất nhiên, thực hiện chủ trương này phải thận trọng, chu đáo theo nguyên tắc “kỷ cương ở phân loại, tình nghĩa ở chính sách” bởi không phải tất cả các nguyên nhân yếu kém đều thuộc về chủ thể người giáo viên.

 

Công bằng mà nói, hiện nay vẫn có không ít những GVDG. Địa phương nào cũng có, trường nào cũng có. Phương pháp giảng dạy của những GVDG ngày nay chẳng khác gì mấy so với các GVDG của chúng tôi trước đây. Thậm chí, môn này, môn khác nội dung còn phong phú hơn. Tất nhiên có người cho là... lạc đề. Thế nhưng ngẫm kỹ, cái gọi là “lạc đề” đó chỉ mất vài phút trong lúc học sinh lại biết thêm nhiều điều và khi học những môn khác lại dễ nhớ hơn.

 

Tỷ như GVDG khi dạy môn Địa lý tỉnh Nghệ An khi nói về dãy núi Thiên Nhẫn có thể nói thêm về thành Lục Niên mà nghĩa quân của Lê Lợi đã đồn trú để chống lại quân Minh, cũng là nơi ẩn dật của danh nhân Nguyễn Thiếp cùng với lòng nhân ái và tài dùng người của vị vua áo vải Quang Trung.

 

Tỷ như, lúc giảng câu “Một đèo, một đèo lại một đèo” (đèo Ba Dội) của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm “nói như thế mà không phải như thế”, GVDG môn Văn đã liên hệ đến những dãy núi đá vôi kéo dài từ Tây Bắc đến biên giới hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa cũng như địa điểm tập kết quân của Nguyễn Huệ trước khi hành quân ra Bắc đại phá quân Thanh là một vùng đất đỏ vàng được hình thành từ loại đá này...

 

Đáng tiếc do một quá trình dài với một kiểu “tư duy bao cấp, áp đặt”, lại lệ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa “cứ đến hẹn lại thay”, cách dạy hấp dẫn như thế ở chỗ này, chỗ khác không phải lúc nào cũng được tất cả mọi người hoan nghênh mặc dù học sinh lại rất thích thú.

 

Việc dạy giỏi còn phụ thuộc những yếu tố khách quan. Bởi vậy, thiết tưởng cũng cần dừng lại ở tâm trạng các GVDG hiện nay. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy có mấy biểu hiện phổ biến ảnh hưởng không nhỏ đến việc phấn đấu để trở thành người GVDG.

 

Một là, chọn ngành sư phạm là hoài bão, là tự nguyện của các GVDG nhưng những tiêu cực trong xã hội như “hội chứng học vì bằng cấp”, bằng giả, thi thuê, thuê thi... làm cho họ cảm thấy mình bị xúc phạm vì đạo lý mình đang theo đuổi trở thành xa lạ đối với đời thường.

 

Hai là, không ít trường hợp chính đối tượng họ muốn truyền thụ kiến thức cũng như phương pháp tư duy lại tỏ ra thờ ơ, thậm chí lười biếng và hỗn láo... Những đối tượng ấy chẳng những không bị trừng phạt mà còn được bố trí vào những chỗ “thơm tho” nhờ hối lộ, nhờ quyền uy của mẹ cha(!).

 

Ba là, từ những kỳ vọng ban đầu không chuyển hóa thành hiện thực, họ trở nên thất vọng vì những tiêu cực trong chính bản thân ngành giáo dục.

 

Bốn là, tư tưởng thành tích, mức khoán phân loại học sinh từ trên dội xuống bất chấp chất lượng đào tạo thực tế như thế nào.

 

Cuối cùng, không loại trừ những ưu tư xuất phát từ chế độ đãi ngộ không tương xứng với khái niệm “lao động trong giáo dục là một loại lao động đặc biệt”...

 

Thế nào là dạy giỏi?

 

Cần phải nói ngay rằng, người GVDG không những phải truyền thụ cho học sinh những kiến thức cần thiết thuộc nội dung chương trình mà còn cả một phương pháp tư duy khoa học, sáng tạo để áp dụng ngay và rất có thể cả cho những cấp học cao hơn, thậm chí trong công tác sau này.

 

GVDG phải là người có phương pháp giảng dạy riêng của chính mình miễn là phương pháp đó có sức thuyết phục cao đối với đồng nghiệp và được chính đối tượng mà mình truyền thụ kiến thức xác nhận.

 

GVDG phải là người có khả năng liên hệ nội dung bài giảng với thực tiễn, hướng cho học sinh biết suy nghĩ độc lập không lệ thuộc hoàn toàn vào thầy giáo, cô giáo.

 

GVDG là người phân biệt được rõ ràng thế nào là “lan man, lạc đề” với “mở rộng” bài giảng và “tạo sức hấp dẫn” của bài giảng. Với những môn cần giáo cụ, GVDG phải là người có những sáng kiến khắc phục khó khăn để đạt yêu cầu cao nhất.

 

GVDG là người luôn luôn đặt cho mình nhiệm vụ không ngừng nâng cao trình độ để “biết ba, dạy một” ngay cả khi đã được mang danh hiệu “giáo viên dạy giỏi”.

 

Việc đánh giá chất lượng giảng dạy của một GVDG không gì bằng chất lượng học sinh mà giáo viên đó được phân công phụ trách. Trong một lớp, càng nhiều học sinh tự đặt cho mình những câu hỏi “Tại sao?”, “Có cách nào tốt hơn không?” và tự tìm được câu trả lời là một biểu hiện sinh động họ đã được học với những GVDG. Hoàn toàn không nên chỉ căn cứ vào việc chuẩn bị giáo án hoặc thông qua các kỳ thi GVDG vì trong thực tiễn khi thực hiện chủ trương này ở nơi này, nơi khác vẫn đang tồn tại nhiều khiếm khuyết như nể nang, gửi gắm, cơ hội...

 

Tóm lại, người GVDG phải là người có năng lực đích thực, có đầy đủ nhân cách theo cách nhìn đại công nghiệp với cách hiểu “trong văn có lễ, trong lễ có văn” chứ không phải hai yếu tố tách rời.

 

GS.TS Nguyễn Vy


Tin liên quan  
Để trả bài đầu giờ không còn là nỗi sợ hãi của học sinh
Để trả bài đầu giờ không còn là nỗi sợ hãi của học sinh Tonghop24 - Trả bài đầu giờ là việc thầy cô bộ môn gọi từng bạn lên trước lớp để kiểm tra bài cũ. Đa số học sinh khi được hỏi đều vô cùng sợ hình thức kiểm tra bài này.
Những ưu điểm của phương pháp dạy kèm
Những ưu điểm của phương pháp dạy kèm Phương pháp dạy kèm mà chúng ta biết đến như là việc dạy gia sư rất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên phương pháp giảng dạy này lại chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của giáo viên và học sinh vì đa số mọi người đều hiểu sai bản chất của việc dạy kèm. Thực chất phương pháp dạy kèm có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt đối với việc dạy và học ngoại ngữ.
Vui buồn nghề gia sư
Vui buồn nghề gia sư Gia sư là nghề được đông đảo sinh viên lựa chọn làm thêm. Nhiều người nhìn vào cứ nghĩ đây là việc làm thêm nhàn hạ. Tuy nhiên, chỉ có người trong cuộc mới hiểu được nỗi nhiêu khê chẳng khác gì phận “làm dâu trăm họ” khi nhận công việc này…
Chia sẻ kinh nghiệm thi IELTS 7.0 trong thời gian ngắn
Chia sẻ kinh nghiệm thi IELTS 7.0 trong thời gian ngắn Bài viết này mình sẽ không đi thẳng vào các phương pháp học tiếng anh mà mình sẽ chia làm 2 phần : phần 1 nói về thái độ,mục tiêu,quyết tâm , phần 2 là các phương pháp học.
Một số biện pháp bồi dưỡng năng lực giải Toán chứng minh cho học sinh
Một số biện pháp bồi dưỡng năng lực giải Toán chứng minh cho học sinh Tonghop24 - Trong toán học luôn đảm bảo sự thống nhất giữa cụ thể và trừu tượng
Thế nào là dạy giỏi?
Thế nào là dạy giỏi? Tất nhiên trong giáo dục - đào tạo còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết với một quyết tâm cao để đạt được một sự đồng thuận. Nhân ngày 20/11, nhớ lại quãng đời học sinh cũng như khi đứng trên bục giảng trường ĐH, chúng tôi chỉ muốn trao đổi đôi điều có liên quan tới dạy giỏi.